Dưới thời Tùy Văn Đế Phong_Đức_Di

Vào năm 589, quân của Tùy Văn Đế tiêu diệt triều Trần ở phía nam và hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc. Vào năm 590, nhiều người ở Giang Nam tỏ ra không hài lòng với hệ thống của pháp luật của triều Tùy nên họ đã thực hiện những cuộc nổi loạn ở lãnh thổ thuộc triều Trần cũ, Tùy Văn Đế thấy vậy liền cử Đại tướng quân Dương Tố trấn áp nổi loạn. Dương Tố liền cho Phong Đức Di đi theo mình để cùng lo việc quân. Lúc hành quân Đức Di tí nữa thì bị chết đuối nhưng sau khi thoát được thì lại tỏ ra điềm tĩnh vô cùng và Dương Tố đã rất ấn tượng trước sự điềm tĩnh đó của Đức Di. Sau khi dẹp được phản loạn ở Giang Nam, Dương Tố được phong làm Thượng thư Hữu bộc xạ và ông giữ Đức Di lại như một mưu sĩ của mình.

Năm 593, phụng mệnh Tùy Văn Đế, Dương Tố cho tiến hành xây cung Nhân Thọ (仁壽宮, tương ứng với vị trí hiện giờ ở Bảo Kê, Thiểm Tây). Phong Đức Di cũng giúp Dương Tố thực hiện công trình này và cung Nhân Thọ được xây dựng vô cùng tráng lệ, nhưng đổi lại là rất nhiều người đã chết trong lúc thực hiện công trình này cùng với chi phí của nó. Cung Nhân Thọ được hoàn thành vào năm 595, Tùy Văn Đế đến xem công trình này và tỏ ra không được vui, ông đã quở trách Dương Tố tại sao lại lãng phí nhân mạng và tiền của để xây dựng một nơi hoành tráng như vậy. Dương Tố sợ Tùy Văn Đế sẽ trừng phạt mình, nhưng Phong Đức Di đã dự đoán Hoàng hậu sẽ đến cung Nhân Thọ và Văn Đế sẽ không những không trách cứ Dương Tố mà ngược lại còn ban thưởng cho ông. Và điều đó đã xảy ra đúng hệt như những gì Phong Đức Di dự đoán. Dương Tố liền hỏi tại sao Phong Đức Di có thể đưa ra dự đoán chính xác như vậy, ông trả lời:

Bệ hạ vốn là người có đức tính tiết kiệm, hiển nhiên là người sẽ không cảm thấy hài lòng khi trông thấy một cung điện xa hoa như thế này. Tuy vậy Bệ hạ lại rất nghe lời Hoàng hậu. Hoàng hậu là phụ nữ, mà phàm là phụ nữ thì thường thích những thứ lộng lẫy. Và thế là tôi đoán rằng nếu cung điện này có thể khiến Hoàng hậu cảm thấy hài lòng thì bà ấy sẽ thay đổi tâm trạng của Bệ hạ.

Dương Tố nghe vậy thì lại càng thêm nể phục Đức Di. Trong triều, Dương Tố tỏ ra mình là một người cao ngạo và chẳng xem ai ra gì, nhưng ông lại rất tôn trọng Đức Di và thường hỏi ý kiến của Đức Di về những vấn đề mà ông cảm thấy khúc mắc lúc giải quyết việc chính sự. Dương Tố chạm vào ghế ngồi của mình rồi nói rằng: "Rồi có một ngày vị trí này sẽ thuộc về Phong tiên sinh.", sau đó ông tiến cử Đức Di với Tùy Văn Đế. Tùy Văn Đế liền phong cho Đức Di đảm nhiệm chức Nội sử xá nhân (內史舍人), thuộc Nội sử sảnh (內史省).